Công an xã nói rằng đó là vũ khí thô sơ, lập biên bản về hành vi tàng trữ, vận chuyển và sử dụng vũ khí thô sơ, xử phạt 3 triệu đồng. Công an tịch thu dao, còn yêu cầu tạm giữ cả xe máy.
Xin hỏi, dao quắm đi rừng có là vũ khí thô sơ? Người dân mang dao theo để lao động có vi phạm pháp luật không? Công an xã xử phạt và tạm giữ xe trong trường hợp này có đúng? Anh ấy cần khiếu nại thế nào? Xin cảm ơn.
Độc giả Ngọc Bình
Luật sư thư vấn:
Theo khoản 4 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019), vũ khí thô sơ là vũ khí có cấu tạo, nguyên lý hoạt động đơn giản và được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, bao gồm: dao găm, kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu.
Về xử phạt hành chính, điểm b khoản 4 điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền 3-5 triệu đồng với hành vi mang theo trong người hoặc tàng trữ, cất giấu các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc các loại công cụ, phương tiện khác có khả năng sát thương; đồ vật, phương tiện giao thông nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác.
Với quy định nói trên, dao quắm không phải là vũ khí thô sơ. Tuy nhiên, trường hợp mang dao quắm trong người hoặc tàng trữ, cất giấu dao quắm nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác thì vẫn bị xử phạt hành chính do dao quắm được xếp vào nhóm "công cụ, phương tiện khác" có khả năng sát thương.
Đối chiếu với trường hợp bạn nêu, để xử phạt hành vi mang dao quắm trên đường lên nương của thì cơ quan chức năng (công an xã) phải chứng minh được việc mang theo đó nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác. Nếu không chứng minh được vi phạm thì không thể xử phạt hành chính. Trong trường hợp này, dao quắm chỉ là một công cụ lao động của người đi rừng chứ không phải "công cụ, phương tiện khác" như đã nêu trên.
Đối với việc tạm giữ phương tiện, do bạn không nói rõ tình trạng pháp lý của phương tiện (có mang theo đăng ký xe; số khung, số máy có nguyên bản; xe được nghi ngờ là tang vật của một vụ án; xe được độ, chế ảnh hưởng đến sự an toàn của phương tiện...), tình trạng sử dụng phương tiện của người vi phạm (sử dụng rượu, bia, ma túy...) hoặc các vi phạm khác theo quy định của pháp luật giao thông đường bộ nên chúng tôi không có cơ sở để đánh giá việc tạm giữ phương tiện trong trường hợp này là đúng hay sai.
Trường hợp cho rằng xử phạt hành chính không có căn cứ, người bị xử phạt hành chính có thể khiếu nại quyết định hành chính với người đã ban hành quyết định xử phạt hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án nhân dân có thẩm quyền để được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty luật Bảo An, Hà Nội
Nguồn: https://vnexpress.net/cong-an-co-phat-nguoi-mang-dao-quam-di-lam-viec-4620523-p2.html