Trước đây, cha mẹ đăng ký hộ kinh doanh xưởng, giao anh cả thay mặt quản lý, điều hành. Cha tôi mất vào năm 2009, mẹ vào năm 2022, đều không để lại di chúc.
Năm 2024, anh cả có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh lò bún lần đầu.
Trong trường hợp này, giấy đăng ký hộ kinh doanh có đồng nghĩa với quyền sở hữu riêng xưởng sản xuất bún và quyền thụ hưởng riêng lợi nhuận từ kinh doanh sẽ thuộc về anh cả không?
Nếu có khiếu nại về quyền lợi, tôi có thể làm thế nào, xin được hướng dẫn.
Độc giả Quỳnh Nguyễn
Luật sư tư vấn:
Kinh tế hộ gia đình là một trong những chế định được quy định trong Bộ luật Dân sự cũng như Luật Doanh nghiệp nhằm hướng tới các thành viên trong gia đình cùng đóng góp công sức, tiền bạc, tài sản để sản xuất, kinh doanh, tạo thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.
Về tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, khoản 1 Điều 102 Bộ luật Dân sự quy định việc xác định tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, quyền, nghĩa vụ đối với tài sản này được xác định theo quy định tại Điều 212 của Bộ luật này.
Điều 212 Bộ luật Dân sự quy định:
1. Tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.
2. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Trường hợp không có thỏa thuận thì áp dụng quy định về sở hữu chung theo phần được quy định tại Bộ luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp quy định tại Điều 213 (quy định về Sở hữu chung của vợ chồng) của Bộ luật này.
Như vậy, với các quy định nói trên, việc cha mẹ bạn và các con cùng tham gia sản xuất, kinh doanh bún do cha mẹ bạn đứng tên hộ kinh doanh khi họ còn sống đã thỏa mãn đầy đủ các quy định của pháp luật về hộ kinh doanh. Do vậy, toàn bộ máy móc thiết bị, nguyên vật liệu sản xuất, thậm chí cả giá trị thương hiệu... đều được xác định là tài sản chung của các thành viên hộ gia đình. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận.
Trên phương diện pháp luật về thừa kế, phần tài sản thuộc quyền sở hữu của cha mẹ để lại trong khối tài sản hộ gia đình (do không có di chúc) được chia thừa kế theo pháp luật (trường hợp bạn nêu là chia đều cho các con).
Do vậy, việc người con cả đứng tên hộ kinh doanh chỉ có ý nghĩa đại diện cho hộ trước pháp luật chứ không đồng nghĩa anh ta có quyền sở hữu riêng xưởng sản xuất bún và quyền thụ hưởng riêng lợi nhuận từ kinh doanh đó.
Trường hợp có tranh chấp, các anh chị em bạn nên hòa giải, thương lượng để hài hòa lợi ích trên cơ sở có xem xét đến công sức, nguồn lực mà mỗi người tham gia, đóng góp vào việc sản xuất, kinh doanh của gia đình. Cách làm này vừa giữ được tình cảm gia đình cũng như giữ được nghề truyền thống cần lưu truyền và phát triển bền vững.
Trường hợp mâu thuẫn không thể giải quyết thì một trong các thành viên hộ gia đình có quyền khởi kiện tại tòa án nhân dân có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty Luật Bảo An, Hà Nội