Em trao đổi về việc gây mất trật tự nhưng những người hàng xóm nói là "nơi công cộng", "đường của nhà nước"... , không ai có quyền ngăn cản. Từ đây, họ khuyến khích con ra sân chơi nhiều hơn, dọa đánh em nếu còn ý kiến.
Nhà chỉ có hai mẹ con nên em không dám làm gì.
Xin hỏi việc cha mẹ để con tụ tập, làm ồn trước nhà người khác và có thái độ khiêu khích như thế có vi phạm hành chính không? Em có thể báo cáo chính quyền giải quyết không?
Nhờ luật sư và các anh, chị cho em xin lời khuyên.
Độc giả Hoàng Huy
Luật sư tư vấn:
Ngày 16/12/2010, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 39/2010/TT-BTNMT.
Ban hành kèm theo Thông tư này là Quy chuẩn QCVN 26:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn.
Theo đó, Quy chuẩn quy định giới hạn tối đa các mức tiếng ồn tại các khu vực có con người sinh sống, hoạt động và làm việc. Tiếng ồn trong quy chuẩn này là tiếng ồn do hoạt động của con người tạo ra, không phân biệt loại nguồn gây ồn, vị trí phát sinh tiếng ồn.
Về đối tượng áp dụng, quy chuẩn nêu trên áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân các hoạt động gây ra tiếng ồn ảnh hưởng đến các khu vực có con người sinh sống, hoạt động và làm việc trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo quy định tại Mục 2.1 Quy chuẩn nói trên thì giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn tại khu vực thông thường (khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính) là: 70dBA (từ 6h đến 21h) và 55dBA (21h đến 6h).
Với quy định nói trên, trường hợp trẻ nhỏ nô đùa ồn ào vượt mức quy định có thể được coi là vi phạm hành chính. Tuy nhiên, trên phương diện pháp luật thì cần phải được cơ quan chuyên môn đo đạc độ ồn bằng thiết bị chuyên dụng. Bạn có thể làm đơn gửi UBND phường sở tại để được xem xét, giải quyết.
Trên thực tế, việc gửi đơn đến UBND phường có thể không khả thi bởi họ không được trang bị thiết bị đo chuyên dụng mà phải phối hợp với cơ quan chuyên trách. Do vậy, để giải quyết sự việc nói trên, chúng tôi cho rằng bạn cần trao đổi có tình có lý với cha mẹ các cháu, với tình thần chia sẻ, cảm thông lẫn nhau, tôn trọng quyền lợi chính đáng của mỗi bên (các bên có thể thỏa thuận khung giờ trẻ có thể nô đùa), tránh các hành động thách thức, gây hấn.
Trường hợp bạn không thể trao đổi được với họ thì bạn có thể nhờ tổ trưởng dân phố, cán bộ mặt trận, hội phụ nữ... để được giúp đỡ, hòa giải giữa các bên.
Về phía bạn, chúng tôi cho rằng không nên đổ nước ra ngõ đi chung. Vì như vậy vô tình bạn cũng đang làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người khác như nhu cầu về ngõ xóm khô ráo, sạch sẽ. Việc đổ nước còn tiềm ẩn nguy cơ trượt ngã đối với người già và trẻ nhỏ.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty luật Bảo An, Hà Nội
Nguồn: https://vnexpress.net/cha-me-co-bi-phat-hanh-chinh-khi-con-gay-on-phien-hang-xom-4703945-p2.html