Hình sự
Đề nghị bạn gái phá thai có bị đi tù không? ( 4/3/2025 )

 

Em và bạn gái từng bỏ thai một lần. Lần này em vẫn chưa sẵn sàng làm cha vì công việc chưa ổn định, nhưng cô ấy nhất định giữ em bé và dọa "nếu khuyên bỏ thai nữa sẽ báo công an".

Em và bạn gái đều 23 tuổi, quen nhau qua công việc rồi nảy sinh tình cảm. Đầu năm trước, cô ấy mang thai ngoài ý muốn. Lúc đó em vừa "nhảy việc", còn bạn ấy chỉ làm bán thời gian nên kinh tế rất khó khăn. Bọn em thống nhất không giữ em bé.

Mới đây, cô ấy lần thứ hai báo tin mang bầu, khăng khăng muốn giữ. Em thực sự muốn cưới cô ấy và xây dựng gia đình, nhưng không phải bây giờ, càng không phải vì chúng em lỡ có con với nhau.

Em lựa lời khuyên nhủ, mong bạn ấy bỏ thai và chịu khó đợi thêm vài năm để vững vàng công việc rồi tụi em làm đám cưới. Nhưng bạn ấy tỏ ra rất tức giận, chửi bới em, chặn liên lạc, không gặp mặt và còn nói "sẽ báo công an vì em ép buộc, xúi giục cô ấy phá thai".

Xin hỏi, việc em khuyên cô ấy phá thai (hoàn toàn vì muốn tốt cho cả hai) có vi phạm pháp luật không? Nếu có thì bị xử lý như thế nào?

Nếu thực sự việc đó là sai, em sẽ dừng lại ngay và xin lỗi cô ấy, cùng nuôi con.

Độc giả Lý Nam

Luật sư tư vấn: 

Giải đáp thắc mắc của bạn Lý Nam, luật sư Vũ Tiến Vinh (Công ty Luật Bảo An, Hà Nội) phân tích, trên phương diện pháp luật, việc có thai, sinh con thuộc phạm trù quyền nhân thân của mỗi người (không thể chuyển giao cho người khác) được quy định tại Điều 25 Bộ luật Dân sự.

Điều 33 Bộ luật này cũng quy định, cá nhân có quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe.

Trên phương diện y học, theo luật sư, việc bỏ thai có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và thậm chí là đe dọa tính mạng của người phụ nữ. Do vậy, không ai có quyền ép buộc người khác bỏ thai. Ngay cả với trường hợp thai nhi hoặc sức khỏe của người mang thai có vấn đề thì cán bộ y tế cũng chỉ có thể tư vấn, giải thích các hệ lụy nếu tiếp tục mang thai chứ không thể ép buộc sản phụ bỏ thai. Quyết định cuối cùng thuộc về người mang thai.

Luật sư Vinh nêu dẫn chứng năm 2023 tại Hà Nội, có trường hợp người mẹ bị ung thư di căn nhưng vẫn quyết tâm giữ thai nhi và đã sinh con an toàn. Theo luật sư, điều này cho thấy pháp luật phải tôn trọng quyền sinh con của phụ nữ.

Bản thân việc ép buộc người khác bỏ thai cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của sản phụ và thai nhi bởi tinh thần người phụ nữ sẽ luôn bị ức chế, có thể dẫn đến trầm cảm, sảy thai, có hành vi tiêu cực đối với chính bản thân họ. Do vậy, người ép buộc người khác bỏ thai có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, được quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự.

"Do vậy bạn không có quyền ép buộc bạn gái của bạn bỏ thai. Việc bạn ép buộc cô ấy bỏ thai không những trái đạo đức, vi phạm pháp luật mà bạn còn có thể phải chịu chế tài hình sự", luật sư Vinh khuyến cáo bạn Nam.

Trên phương diện trách nhiệm cá nhân, luật sư cho rằng hai bạn đã bỏ thai một lần, Nam chưa muốn có con nhưng vẫn không dùng biện pháp tránh thai an toàn, để bạn gái có thai thì Nam là người có lỗi. Người đàn ông cần phải có trách nhiệm với thai nhi và đứa trẻ được sinh ra sau này.

"Việc bạn gái muốn giữ thai là hoàn toàn chính đáng, là quyền của cô ấy. Hơn nữa, việc bỏ thai nhiều lần ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng có con sau này. Nếu tình huống này xảy ra, bạn chịu trách nhiệm thế nào với việc này? Hơn nữa, hai bạn chưa kết hôn, điều gì khẳng định bạn sẽ đồng hành, chia sẻ chi phí y tế với cô ấy trong việc điều trị?", luật sư phân tích.

Thực tế trong những năm đầu nuôi con, các cặp vợ chồng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về kinh tế cũng như kỹ năng, kinh nghiệm trong việc nuôi dạy con. Do vậy, theo luật sư Vinh ngoài phương diện pháp lý cần cân nhắc, bạn Nam nên tôn trọng và ủng hộ quyết định sinh con của bạn gái.

Hải Thư

Nguồn: https://vnexpress.net/ep-ban-gai-pha-thai-co-the-bi-truy-cuu-trach-nhiem-hinh-su-4853328.html

[In trang]