Hôn nhân
Có thể xin lại con đã cho làm con nuôi? ( 27/3/2025 )

 

Năm 2016, vợ mất sau khi sinh, tôi khó khăn nên cho vợ chồng hàng xóm nuôi, có làm thủ tục tại xã, nay muốn xin lại con có được không?

Sau khi vợ mất, tôi bôn ba nhiều nơi, kinh tế bớt khó khăn. Tôi gần đây dành dụm được một khoản tiền, muốn về quê, bày tỏ nguyện vọng với hàng xóm xin lại con để chăm sóc dạy dỗ.

Tôi cũng có nguyện vọng muốn gửi vợ chồng hàng xóm một số tiền gọi là công lao anh chị đã nuôi dưỡng cháu trong suốt mấy năm qua. Song vợ chồng hàng xóm không đồng ý do đã gắn bó với cháu như con đẻ, không thể giao lại cho tôi.

Xin hỏi bây giờ tôi có thể gửi đơn lên tòa án, đề nghị giải quyết việc này không? Có cách nào để tôi có thể nhận lại con sau khi đã cho làm con nuôi không?

Tôi xin cảm ơn!

Độc giả Khương Trịnh

Luật sư tư vấn: 

Trên phương diện tình cảm, việc bạn có nguyện vọng nhận lại con cũng cần được cảm thông. Tuy nhiên, đứa trẻ và cha mẹ nuôi sau nhiều năm gắn bó đã hình thành tình cảm thương yêu, quan tâm, chăm sóc như cha mẹ ruột với con ruột nên bạn cần phải tôn trọng mối quan hệ tình cảm đó.

Việc bạn đặt vấn đề xin lại con sẽ gây đau khổ cho cha mẹ nuôi, gây xáo trộn cuộc sống gia đình của họ và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm sinh lý của đứa trẻ.

Trên phương diện pháp lý, các quy định của pháp luật về nuôi con nuôi luôn hướng tới sự gắn bó ổn định, bền vững, lâu dài mối quan hệ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi.

Cụ thể, khoản 1 và 4 Điều 24 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định về hệ quả của việc nuôi con nuôi như sau :

- Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Trừ trường hợp giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi có thỏa thuận khác, kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ đẻ không còn quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện theo pháp luật, bồi thường thiệt hại, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với con đã cho làm con nuôi.

Về căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi, Điều 25 Luật Nuôi con nuôi quy định việc nuôi con nuôi có thể bị chấm dứt trong các trường hợp sau:

1. Con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi;

2. Con nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi;

3. Cha mẹ nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con nuôi; ngược đãi, hành hạ con nuôi;

4. Vi phạm quy định tại Điều 13 của Luật này (Lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em; Phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi; Lợi dụng việc nuôi con nuôi để vi phạm pháp luật, phong tục tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc...)

Như vậy, với quy định nói trên, bạn chỉ có thể xin (nhận) lại con khi quan hệ nuôi con nuôi bị chấm dứt. Khi mối quan hệ nuôi con nuôi còn tồn tại thì bạn không có quyền xin lại con.

Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty Luật Bảo An, Hà Nội

Nguồn: https://vnexpress.net/co-the-xin-lai-con-da-cho-lam-con-nuoi-vnepre-4865011-p2.html

[In trang]